Lý thuyết màu

Chỉnh sửa màu sắc cho hình ảnh là một trong những chức năng quan trọng nhất của Photoshop, vì vậy việc tìm hiểu về lý thuyết màu sẽ giúp bạn sử dụng Photoshop một cách hiệu quả.

I. Mô hình màu cộng (additive color model)

Màu cộng là nền tảng của mọi màu sắc, vì bắt nguồn từ nguyên lý cảm nhận màu của mắt. Võng mạc trong đáy mắt người có những tế bào hình nón nhạy cảm với các màu đỏ (red), lục (green) và lam (blue). Các tế bào này truyền tín hiệu riêng lẻ đến não bộ, ở đó hình ảnh được tổng hợp thành tất cả màu sắc. Ngoài ra còn có tế bào hình que nhạy cảm với các sắc độ sáng tối của màu sắc.

Màu sắc nhờ ánh sáng phản chiếu từ vật thể và đi đến mắt
Màu sắc nhờ ánh sáng phản chiếu từ vật thể và đi đến mắt

Năm 1704, nhà bác học nổi tiếng người Anh Isaac Newton đã phân giải được ánh sáng trắng thành 7 sắc cầu vồng là tím – chàm – lam – lục – vàng – cam – đỏ, trong đó tím, chàm, vàng, cam có thể tạo ra từ đỏ, lục và lam. Do đó đỏ, lục và lam được xem là 3 màu căn bản (primary colors) để tạo ra bất kỳ màu sắc nào khác.

Mặt khác, khoa học cũng chứng minh ánh sáng chính là một dạng năng lượng được bức xạ dưới dạng sóng lan tỏa với vận tốc 300.000 km/giây. Ánh sáng có màu khác nhau là do bước sóng khác nhau. Quang phổ mà mắt người nhìn thấy được chỉ là một khe rất hẹp trên thang sóng điện từ, trải từ sắc tím thẫm 380nm (nanomét, đơn vị đo chiều dài bằng 1 phần triệu milimét) đến sắc đỏ thẫm 780nm.

Quang phổ khả kiến

Nguời ta gọi mô hình màu cộng là mô hình RGB. Nguyên lý này được ứng dụng trong công nghệ chế tạo màn hình tivi, màn hình máy vi tính, kỹ thuật video, chiếu sáng…

Tất cả các màu nằm trong quang khổ khả kiến đều có thể được tạo ra bằng cách thay đổi cường độ của 3 ánh sáng: red, green, blue

Trong Photoshop:

R G B
Đỏ (Red) 255 0 0
Lục (Green) 0 255 0
Lam (Blue) 0 0 255
Lam – lục (Cyan) 0 255 255
Đỏ cánh sen (Magenta) 255 0 255
Vàng (Yellow) 255 255 0
Đen 0 0 0
Trắng 255 255 255
Xám 50% 128 128 128

II. Mô hình màu trừ (subtractive color model)

Mô hình màu cộng bắt đầu từ màu đen (một màn hình tivi trống và cộng màu R, G, B để có được màu trắng). Ngược lại mô hình màu trừ bắt đầu với màu trắng (một tờ giấy trắng được chiếu bằng ánh sáng trắng và trừ đi màu R,G, B của ánh sáng trắng để có được màu đen).

Việc loại bỏ ánh sáng R, G, B được thực hiện bằng việc in chồng các màu mực lam – lục (cyan), đỏ cánh sen (magenta) và vàng (yellow). Mực Cyan có tác dụng hấp thu ánh sáng red, mực Magenta hấp thu ánh sáng green, mực Yellow hấp thu ánh sáng blue.

Mực Cyan hấp thu ánh sáng đỏ - mực Magenta hấp thu ánh sáng lục - mực Yellow hấp thu ánh sáng lam

Mực Cyan hấp thu ánh sáng đỏ – mực Magenta hấp thu ánh sáng lục – mực Yellow hấp thu ánh sáng lam

Bất kỳ màu nào trong khoảng màu phục chế (CMYK gamut) được đều có thể đạt được bằng cách thay đổi tỷ lệ mực màu C, M, Y. Mô hình màu trừ được sử dụng cho kỹ thuật nhiếp ảnh màu hiện đại và trong tất cả các quá trình in màu công nghiệp. Trên thực tế do mực in không tinh khiết nên khi 3 màu C, M, Y chồng lên nhau vẫn không tạo ra được màu đen thật sự. Và ngành in phải dùng thêm một bản in với mực đen để bổ trợ cho C, M, Y để tạo thêm chi tiết và chiều sâu cho hình ảnh.

Trong ngành in, 4 màu CMYK được gọi là 4 màu process colors

Trong ngành in, 4 màu CMYK được gọi là 4 màu process colors

Trong in ấn, để tạo ra màu đỏ cờ (Red) người ta in chồng đỏ cánh sen (Magenta) và vàng (Yellow). Tương tự ta có:

 

C (%) M(%) Y(%) K(%)
Đỏ cờ (Red) 0 100 100 0
Xanh lá (Green) 100 0 100 0
Xanh tím (Blue) 100 100 0 0
Màu trắng 0 0 0 0
Cam 0 50 100 0
Xanh ngọc 40 0 20 0
Xanh bầu trời 60 20 0 0
Màu hồng 5 40 5 0
Màu be 5 5 15 0

Bằng kỹ thuật tram hóa (screening) hình ảnh màu được phục chế bằng cách in chồng các hạt tram (screen dot) với 4 màu C, M, Y, K theo 4 góc khác nhau

Bằng kỹ thuật tram hóa (screening) hình ảnh màu được phục chế bằng cách in chồng các hạt tram (screen dot) với 4 màu C, M, Y, K theo 4 góc khác nhau

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *